Kinh nghiệm chăm sóc mèo con cho người mới nuôi 2021

Việc chăm sóc mèo cũng giống như chăm sóc một đứa trẻ. Chúng ta cần chăm sóc như thế nào để khiến chúng luôn khỏe mạnh, đáng yêu và tinh nghịch? Bài viết này PateForPet sẽ cung cấp thông tin chăm sóc mèo hữu ích, phù hợp với các bạn mới nuôi mèo.

Đến ngay mục bạn quan tâm

    Loài mèo cũng trải qua những giai đoạn sinh, bệnh, lão, tử như con người. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, chế độ dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe của mèo lại khác nhau. Cùng với đó, bạn cần lưu ý kết hợp tạo thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày cho mèo. Dưới đây là những kiến thức về chế độ dinh dưỡng và cách huấn luyện thói quen tốt cho mèo.

    Chăm sóc mèo với chế độ ăn uống đơn giản

    Chăm sóc mèo với chế độ ăn uống đơn giản

    Chế độ ăn uống cần được chia ra dựa theo từng giai đoạn phát triển của mèo. Dựa vào từng độ tuổi, hàm lượng dinh dưỡng sẽ được thay đổi phù hợp nhất với cơ thể mèo. Bốn giai đoạn phát triển chính của mèo như sau:

    Mèo sơ sinh dưới 6 tuần tuổi.

    Thể trạng mèo con lúc này còn khá nhỏ và yếu. Bạn cần:

    • Ủ ấm cơ thể mèo con 24/24 bằng khăn bông hoặc đèn sưởi.
    • Có thể thay thế sữa mèo mẹ bằng sữa tiệt trùng. Ngày cho ăn từ 3-4 lần, các bữa cách đều nhau.
    • Hòa thêm canxi chó mèo vào sữa khi cho mèo con ăn. Liều lượng khoảng 1/6 viên/ ngày.
    • Khử trùng bình sữa hoặc xi-lanh bằng nước 40 độ trước khi hòa sữa cho mèo.
    • Dùng khăn mềm lau sạch bộ phận đi vệ sinh của mèo con.

    Mèo con từ 6 đến 10 tuần tuổi

    Giai đoạn này mèo con đi lại nhanh nhẹn và dễ dàng hơn. Cách chăm sóc cũng gần tương tự mèo sơ sinh. Bạn cần bổ sung lượng lớn protein cho mèo con trong thời kỳ này.

    • Cho mèo con uống sữa 2 lần/ ngày. Hòa canxi vào sữa khoảng 1/8 – 1/6 viên/ngày.
    • Bắt đầu cho ăn thêm thức ăn trộn nhuyễn với thịt lợn, cá, thịt gà.
    • Tránh cho mèo con ăn xương cá, lợn, gà,...
    • Tắm cho mèo 1 lần/ tháng, tắm bằng nước ấm.
    • Sử dụng sữa tắm chuyên dụng cho chó mèo để tắm vệ sinh, trị ve rận.

    Mèo con từ 3 đến 6 tháng tuổi

    Lúc này, mèo con đang trong độ tuổi phát triển, bắt đầu có da có thịt hơn. Chăm sóc mèo con giai đoạn này có nhiều thay đổi cần lưu ý.

    • Có thể cai sữa, cho ăn cơm với các loại thịt và bổ sung dưỡng chất.
    • Sử dụng canxi đều đặn trong chế độ ăn cho mèo.
    • Cho mèo tập ăn thức ăn hạt (trộn thêm một chút sữa nếu mèo chưa quen ăn hạt).
    • Chuẩn bị thêm một bát nước bên cạnh bát ăn. Vệ sinh sạch sẽ hai bát này thường xuyên.
    • Tẩy giun, tiêm phòng vaccine bệnh theo lời khuyên của bác sĩ thú y.

    Mèo trên 6 tháng tuổi

    Có thể nói, đây là giai đoạn của mèo trưởng thành. Chúng trông cứng cáp và có sức đề kháng khá tốt. Chế độ chăm sóc dễ dàng, song tính cách mèo trưởng thành đôi khi lại hơi thiếu thân thiện. Một số lưu ý dành cho bạn nuôi:

    • Chế độ ăn uống thường đã được hình thành từ trước.
    • Tẩy giun và tiêm phòng vaccine ngừa bệnh định kỳ. Tẩy giun theo định kỳ tháng, tiêm phòng bệnh nhắc lại theo định kỳ năm.
    • Việc huấn luyện mèo cao tuổi thay đổi thói quen cũ sẽ gặp nhiều khó khăn.
    • Tránh cú sốc tâm lý như đổi chủ đối với mèo trên 2 tuổi.
    • Tránh một số loại thức ăn dễ khiến mèo bị ốm, ngộ độc như sô-cô-la,...
    • Đối với bất kỳ hiện tượng bất thường nào của mèo như nôn, đi ngoài, nổi mẩn đỏ khắp cơ thể, … bạn cần đưa mèo đến ngay cơ sở khám chữa thú y gần nhất để nhận được những tư vấn kịp thời từ các bác sĩ thú y.
    Huấn luyện mèo tạo thói quen sinh hoạt tốt

    Huấn luyện mèo tạo thói quen sinh hoạt tốt

    Song song với chế độ dinh dưỡng phù hợp, bạn cũng nên tạo thói quen sinh hoạt cho mèo ngay từ khi chúng còn nhỏ. Những thói quen sinh hoạt cơ bản bạn có thể tạo cho mèo như: đi vệ sinh đúng chỗ, vệ sinh răng miệng hàng ngày, … Bạn có thể tham khảo thông tin huấn luyện mèo tạo thói quen căn bản dưới đây:

    Đi vệ sinh đúng chỗ

    Để mèo ngoan ngoãn nghe lời và biết đi vệ sinh đúng chỗ, bạn cần chuẩn bị:

    • Tạo một khu vệ sinh cố định cho mèo.
    • Đảm bảo nơi đó yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi con người, âm thanh lớn và loài chó.
    • Thường xuyên dọn sạch khu vệ sinh hàng ngày hoặc hàng tuần.
    • Có thể sử dụng khay vệ sinh hoặc chậu cát.
    • Tránh sử dụng hoặc thay đổi đột ngột mùi hương quá nồng nơi mèo đi vệ sinh.
    • Nên khử mùi chỗ đi vệ sinh bậy của mèo bằng xăng hoặc dầu hôi. Sau đó đưa mèo vào đúng chỗ bạn muốn chúng đi vệ sinh, khoảng 2-3 lần như vậy sẽ dần tạo thói quen cho mèo.
    • Việc chăm sóc mèo sẽ nhàn hơn nhờ tính kỷ luật trong thói quen sinh hoạt bạn tạo cho chúng.

    Vệ sinh răng miệng cho mèo

    Mèo thường hay gặp một số bệnh về răng miệng như cao răng, hôi miệng, răng yếu, lỏng lẻo,...  Dưới đây là cách chải răng để phòng tránh tốt nhất bệnh về răng miệng cho mèo:

    • Chải răng cho mèo hàng ngày bằng bàn chải và kem đánh răng chuyên dùng của mèo.
    • Nên cho mèo nếm trước hương vị của kem đánh răng.
    • Việc chải răng cho mèo kéo dài không quá 30 giây.
    • Liên tục kiểm tra mảng bám tích tụ trên bề mặt răng, khu vực khó vệ sinh trong khoang miệng.
    • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp mèo ngăn ngừa các bệnh trong khoang miệng và nâng cao tuổi thọ.
    Duy trì tình trạng sức khỏe tốt khi chăm sóc mèo

    Duy trì tình trạng sức khỏe tốt khi chăm sóc mèo

    Chăm sóc mèo không đơn thuần chỉ là chế độ dinh dưỡng thông thường hàng ngày. Mà bên cạnh đó, việc duy trì tình trạng sức khỏe tốt cũng là một trong những yếu tố giúp mèo kéo dài tuổi thọ. Và hơn nữa, công việc này nằm hoàn toàn trong khả năng thực hiện của bạn. Bởi lẽ việc đưa mèo đi kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ, hay chải lông, tắm vệ sinh cho mèo là không quá khó khăn. Chi tiết như sau:

    Đưa mèo đi khám sức khỏe tổng thể định kỳ hàng năm.

    Cũng giống như một thành viên trong gia đình, mèo cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này giúp chúng duy trì thể trạng khỏe mạnh tối ưu. Theo các chuyên gia đầu ngành thú y, mèo cần được khám định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm. Kiểm tra sức khỏe toàn diện định kỳ về:

    • Tai – mũi – họng.
    • Răng – hàm – mặt.
    • Đo chỉ số sinh tồn.
    • Bệnh da liễu như: viêm da, nấm, ghẻ, kí sinh trùng.
    • Tiêm chủng tăng cường, tẩy giun, diệt bọ chét.
    • Test những bệnh nguy hiểm thường gặp ở mèo như: Giảm bạch cầu ở mèo (FPV), sán lá, suy thận...

    Các bác sĩ thú y sẽ sẵn lòng tư vấn giúp bạn về chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu bạn đang quan tâm hoặc băn khoăn về biểu hiện lạ, vấn đề sức khỏe cũng như hành vi của chú mèo nhà mình, bạn nên đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y sớm hoặc liên hệ dịch vụ khám chữa thú y tại nhà để nhận được lời khuyên kịp thời và tốt nhất.

    Một số kiến thức khác khi tự chăm sóc mèo tại nhà

    Tập tính dùng hai chân trước chải lông của mèo cũng là một cách khiến bộ lông của chúng trở nên ưa nhìn hơn. Tuy vậy, bạn vẫn nên hỗ trợ chúng chải bộ lông thường xuyên, ít nhất 1 lần mỗi tuần. Bên cạnh đó, tắm vệ sinh cho mèo cũng là một hành động chăm sóc mèo được khuyến khích. Lợi ích vô cùng đáng ngạc nhiên từ việc chải lông, tắm vệ sinh cho mèo bạn đã biết?

    • Bộ lông thơm hương óng mượt, tạo cảm giác sạch sẽ thoải mái hơn cho mèo.
    • Giảm tình trạng lông bết, rối và rụng lông trong nhà.
    • Hạ thân nhiệt cho mèo những ngày nắng nóng, oi bức.
    • Tắm bằng nước ấm, sử dụng khăn bông lau khô và sấy khô kỹ lông cho mèo.

    Kiến thức chăm sóc mèo cần lưu ý

    • Hệ tiêu hóa của mèo khó thích nghi với chất ngọt từ đường và sữa. Tránh cho mèo ăn những chất này khi mèo còn nhỏ hoặc đang bị yếu.
    • Nên cho mèo phơi nắng hàng ngày thường vào trước 10 giờ sáng.
    • Sử dụng nước muối sinh lý để tra mắt và nhỏ mũi để phòng bệnh viêm mắt, viêm mũi.
    • Vệ sinh tai bằng tăm bông trẻ em thường xuyên.
    • Để tránh mèo đi chơi lang thang nhiều, tuyệt đối không cho mèo dưới 6 tháng tuổi đi ra ngoài đường chơi.

    Một chú mèo tinh nghịch, khỏe khoắn đương nhiên sẽ đáng yêu hơn một chú mèo ủ rũ, ốm yếu đúng không nào? Bệnh viện thú y PateForPet hy vọng rằng, với những thông tin chia sẻ hữu ích từ bài viết trên đây sẽ là nguồn kinh nghiệm vàng trong chăm sóc mèo cho tất cả những bạn mới nhận nuôi mèo.

    Chúc các bạn luôn có một người bạn mèo đáng yêu, khỏe khoắn đồng hành bên cạnh!

    • Cập nhật 11-06-2021
    • Biên tập: 
    • Lượt xem: 8479
    • 5.0 / 5 (1 lượt đánh giá)

    Chia sẻ nếu bạn thấy thông tin hữu ích:

    Thùy Trang

    Về Thùy Trang

    Tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp Hà Nội với tấm bằng giỏi sau khi ra trường cô công tác tại Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT). Chuyên ngành chính của cô là giải phẫu thú y, tổ chức phôi thai học, sinh lý học.

    Bình luận